<bgsound src="/Bai Asia DVD 61.mp3"/> Le Dinh










Tác giả

Dương Hà
Hoàng Nam



Hình của
Trung Tâm Asia







Nhật Trường
Trần Thiện Thanh Kỳ 2

hay
DVD ASIA 61



Bài của Dương Hà - Hoàng Nam
Hình của Trung Tâm Asia



Vào ngày Thứ Bảy 28 Tháng hai 2009, đứng trước Đại hí viện Long Beach Terrace xung quanh mình đoàn người đông đúc khiến tôi nhớ đến lần Trung tâm Asia tổ chức đại nhạc hội thu hình Nhật Trường-Trần Thiện Thanh Asia 50 tại La Mirada Theatre.Đó là show về Nhật Trường-Trần Thiện Thanh kỳ 1 vào năm 2006, mà số lượng DVD Asia 50 “Anh không chết đâu anh” vô cùng thành công về số bán.

Năm nay vào mùa Tháng Tư Đen đánh dấu 34 năm Việt Nam Cộng Hòa bị Đồng Minh Tháo Chạy bức tử, Tháng Tư oan khiên, Tháng Tư Người Lính VNCH bị gẫy súng, không khí khắp nơi phẫn uất vì Việt Nam mất đất vùng ranh giới Việt-Trung, mất các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa, rồi nguy cơ Bauxite Tây Nguyên ... Tháng Tư người ta lưu luyến với hình ảnh hào hùng, những gương can đảm của người quân nhân VNCH từ Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn đến Ngụy Văn Thà, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Văn Đương, Trần Duy Phước ... cũng nhằm ca ngợi hình ảnh đẹp đẽ của người lính Việt Nam Cộng Hòa muôn thuở bất tử vì các sự hy sinh cao cả, Trung tâm Asia tiếp tục thực hiện DVD Nhật Trường-Trần Thiện Thanh kỳ 2, tức Asia-61. Tôi xin ghi nhận những điều cảm nghĩ về show hát này, cũng như về ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, người đem hình ảnh của người lính đi sát với âm nhạc của ông, một điều rất thú vị trong tôi.

Chương trình đại nhạc hội thu hình cho Asia-61 của Trung tâm Asia, một trong các trung tâm băng nhạc lớn và uy tín tại Little Saigon, đã huy động một lực lượng ca sĩ đông đảo và sự góp mặt của những anh cựu quân nhân thuộc Liên Hội cựu chiến sĩ Quân lực VNCH, và để thể hiện các sáng tác bất hủ của nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh, qua các chủ đề tình yêu, quê hương và chiến tranh.







Danh sách các ca sĩ được ghi nhận, người ta thấy có sự góp mặt của các nghệ sĩ, trước 75 như Thanh Thúy, Trung Chỉnh, Anh Khoa, Thanh Lan, Ngọc Minh, Chí Tâm, Nhật Trường, Phương Hồng Quế, Chế Linh, Phương Dung ... và thế hệ sau này, như Thiên Kim, Mỹ Lan, Mỹ Huyền, Hồ Hoàng Yến, Spencer, Thùy Hương, Justin, Philip Huy, Lâm Nhật Tiến, Vũ Khanh, Như Quỳnh, Tường Khuê, Tường Nguyên, Diễm Liên, Lâm Thúy Vân, Băng Tâm, Tiến Dũng, Thanh Trúc, Châu Tuấn, Bích Vân, Nguyễn Hồng Nhung, Y Phương, Y Phụng, Đặng Thế Luân, Quốc Khanh, Ánh Minh, Ðoàn Phi, Ðan Nguyên, Trish Thùy Trang ... về phần kịch có Quang Minh, Hồng Ðào, Jonathan và Jennifer. Về emcees có 4 nghệ sĩ là Nam Lộc, Thùy Dương, Bảo Châu và Việt Dzũng.







Bài nhạc mở đầu chương là nhạc phẩm "Bà Mẹ Trị Thiên" do 2 ca sĩ Thanh Lan và Vũ Khanh trình bày. Bài hát cho thấy rằng người mẹ già có hai người con trai. Lịch sử Việt Nam là phấn đấu để trường tồn, đời mẹ chống Tây, đời con đánh Cộng. Rồi người con lớn hy sinh trên chiến trường Lộc Ninh. Cuộc chiến nơi đây thật khốc liệt, vào ngày 4/4/1972, quân CS tung một trung đoàn quân chính quy tấn công một chi đội chiến xa tăng phái cho Trung đoàn 9 BB từ biên giới rút về tăng cường cho lực lượng phòng thủ Chi khu Lộc Ninh. Ngày 5/4/1972, quân CS bắt đầu tấn công vào bộ chỉ huy tại Lộc Ninh và hậu cứ Trung đoàn 9 BB đặt trong quận l ỵ . CS mở màn bằng địa pháo và sau đó tung bộ binh, thiết giáp tấn công theo hỏa lực hùng hậu của chúng. Lực lượng trú phòng đã chống trả mãnh liệt. Vào trưa cùng ngày, CS bị đẩy lùi khi chúng cố đánh chiếm phi đạo. Ngày 6 tháng 4/1972, CS mở đợt tấn công kế tiếp với sự yểm trợ của một tiểu đoàn chiến xa T54 khoảng 30 chiếc. Pháo binh VNCH tại Lộc Ninh đã phải hạ nòng súng bắn trực xạ vào các chiến xa địch quân đang xông đến, nhưng vì áp lực quá nặng của CS, thị trấn Lộc Ninh bị tràn ngập, một phần của đơn vị phòng thủ đã vượt thoát khỏi vòng vây của địch và về đến An Lộc. Sau khi tạm mất Lộc Ninh, Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã khởi động kế hoạch bảo vệ An Lộc. An Lộc là chiến trường vang danh và vinh danh quân đội VNCH, mà hình ảnh hào hùng của Tướng Lê Văn Hưng. Theo kế hoạch thì bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 5 BB cho Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy và 2 tiểu đoàn của Liên đoàn 3 Biệt Ðộng Quân được trực thăng vận vào An Lộc. Cuộc di chuyển điều động quân xong vào ngày 5 tháng 4/1972. Ngày 7 tháng 4/1972, bộ Tổng Tham Mưu đã điều động Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng viện cho Sư đoàn 5 BB. Sáng ngày 16 tháng 4/1972, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù được lệnh tiếp ứng cho mặt trận Bình Long. Về các đơn vị thuộc Sư đoàn 5 BB, ngày 11 và 12 tháng 4/1972, Trung đoàn 8 BB được trực thăng vận vào An Lộc. Trước đó, Sư đoàn 5 BB được bộ Tổng tham mưu tăng viện Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18 BB. Trung đoàn này đóng ở khu vực cầu Cần Lê, sau cuộc tấn công của CS vào các ngày 6 và 7 tháng 4/1972 thì chúng đã bị thiệt hại nặng. Sau hơn hai tháng tử chiến với quân CS, dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng, Lực lượng VNCH đã giữ vững được An Lộc và sau đó đã khởi động các cuộc phản công giải tỏa áp lực địch quân ở các khu vực phụ cận thị xã tỉnh lỵ.

"Bà Mẹ Trị Thiên" của Nhật Trường Trần Thiện Thanh nhắc đến giai đoạn bi hùng của quân dân VNCH. Mà trên sân khấu Asia-61, khán giả đã thích thú, nức lòng với hình ảnh của các chiến binh tinh nhuệ nhất của quân lực VNCH, một thời khó quên.

"Mẹ già có một thằng con
tròn ba năm lính vẫn chưa về nhà
Mẹ còn nuôi một đứa con
ở tận Thất Sơn ra Trung Lập đồn
Mẹ chờ con ruột ở xa
thương yêu mẹ dành cho thằng con nuôi
Mẹ đợi một sớm bình yên
hai thằng con mẹ về vui với tuổi già

Rồi mẹ sẽ kể con nghe
năm mẹ mười tám mẹ đánh Tây công đồn
Rồi mẹ sẽ kể con nghe
mùa thu năm bốn mẹ mang mang tủi buồn….
Thằng Tây thằng Cộng bất nhân
chia đôi nước Việt, chia con sông gần
Còn đây còn từng đêm sâu
dòng xanh Bến Hải ngậm muôn đời sầu
Mẹ nuôi mẹ dạy đứa con
cho con đánh giặc cho dân yên lòng
Một ngày mẹ đợi bên sông
bờ Nam Thạch Hãn, đợi tin con diệt thù …

Nào ngờ có một lần kia
Thằng Hai anh dũng chiến trường Lộc Ninh
Chuyện đời có tử có sinh
có con đi lính hy sinh là thường

Mẹ ngồi bên cỗ áo quan
long lanh quốc kỳ hai hàng bội tinh
Mẹ buồn mà mắt mẹ vui
“Con mẹ vị quốc vong thân chiến trường”

Rồi ngày tháng ngày qua
đây mảnh vườn mẹ xới, luống khoai mẹ gầy
Mẹ định cưới vợ cho con
thằng con nuôi lính, thằng con sao thiệt thà …

Ngày kia bọn giặc kéo về
băng qua xóm mẹ giết dân trả thù
Sợ con chiều chiều hay qua
trầu cau con hái về dâng mẹ già

Mẹ đi mẹ chạy lên đồn
tin con biết giặc đang trên ruộng nhà
Gặp thằng giặc Cộng tinh ma
hỏi mẹ, mẹ mắng ! bèn bêu đầu già

Khi con về, xác mẹ thành xương mọc ruộng khô
Măng khóc tre trên mảnh đất quê
Khi con về, khi con về thê thảm nào hơn
Ôi nỗi buồn biết thuở nào nguôi
Ôi ! Mối thù đến thuở nào vơi !"

Trong 21 bài hát và một vở kịch, và nhiều hoạt cảnh ngoạn mục của Asia-61, màn Tân cổ giao duyên do 2 nghệ sĩ Chí Tâm và Ngọc Huyền trình diễn qua bài "Tạ Từ Trong Đêm", là một tiết mục cần có cho người lớn tuổi khi tâm tư chôn chặt với nỗi nhớ cố hương.

Bạn chúng tôi, nhà văn Phạm Tín An Ninh bên Vương quốc Na Uy khi viết về Nhật Trường Trần Thiện Thanh và bài hát "Tạ Từ Trong Đêm", đã ghi nhận như sau:

‘’ "Nhạc sĩ của Lính" là tên mà rất nhiều người miền Nam đã đặt cho anh. Bởi anh đã viết và hát trên 200 ca khúc, không phải chỉ về đời lính, về người tình của lính, mà còn ngợi ca người lính. Sự ngợi ca của anh không phải là những bản hùng ca rầm rộ tiếng quân hành, nhưng nó nhè nhẹ len lỏi vào tận cùng tâm thức, khua động những tình cảm rất thật, rất người. Nhạc của anh đã làm cho người ta hiểu và yêu lính hơn, và làm cho chính người lính thấy yêu đời lính của mình hơn. Những người lính với đầy đủ những bi hùng, nhưng cũng đầy ắp những lãng mạn, vị tha và nhân bản...

Từ giữa thập niên 60, chiến trường miền Nam bắt đầu sôi động, hàng hàng lớp thư sinh phải từ giã mái trường, phố thị ,"xếp bút nghiên theo việc kiếm cung". Người lính miền Nam lúc ấy được thi ca nói tới như là những chàng tuổi trẻ hiền lành, lãng mạn, đi hành quân như vui thú với rừng núi sông hồ, mà hành trang lúc nào cũng kèm theo thơ túi, rượu bầu và hình ảnh một người tình nho nhỏ ở hậu phương... để cuối cùng đành nói một lời khuyên:

" Nếu em biết rằng, có những người đi đấu tranh cho đời
mang lời thề lên miền sơn khê
Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đang áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không ? " (Tạ Từ Trong Đêm)

Những khúc hát này ngày xưa, những người cùng thế hệ thời ấy ai cũng có lần đã hát. Những tiếng hát đó không phải là những tiếng kèn hung hãn thúc quân vào trận mạc, nhưng chính là những làn gió ngát hương trên từng bước quân hành của người lính chiến miền Nam. Nó không làm át đi phần nào tiếng súng nhưng có lẽ đã làm dịu bớt đi những vết thương, những khốn khổ, chia lìa của cả một thời ly loạn."

Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung khi được hỏi về người lính VNCH, vì ra đời ở miền Bắc và cô ra đời sau cuộc chiến, cô cho biết là cô chỉ biết hình ảnh người lính VNCH qua âm nhạc Trần Thiện Thanh và mến mộ. Cô hát nhạc về người lính VNCH với tất cả tấm lòng trân trọng và quý mến.







Nguyễn Hồng Nhung cùng Lâm Nhật Tiến trình bày nhạc phẩm "Bắc Đẩu", nội dung rất bi thương khi người chiến sĩ mũ đen thiết giáp Nguyễn Ngọc Bích chết trận La Vang, rồi "bị liệm xác" đến ba lần, khi thịt xương nát tan. Chính cái chết 3 lần của Nguyễn Ngọc Bích quá thương tâm, Trần Thiện Thanh dâng lên nỗi cảm xúc, đã sáng tác ra bài ca này. Lời bài hát:

"Người bỗng trở thành vì sao Bắc Đẩu,
lẻ loi tinh cầu đêm đen không dấu
Cây "Cầu Ga" nhỏ anh qua anh qua
Vì sao Bắc Đẩu trôi dạt đêm mưa,
người xa cách người, nước mắt tiễn đưa đã thấy xót xa
Một lần anh đi đã thấy xót xa từ ngày hôm qua
Đây thinh không thiên thần lên tiếng hát,
chiêu hồn người từ hỏa ngục dương thế.
Kia bầu trời Ngọc Bích đã thênh thang ...
Ôi ...lời mời gọi anh bước chân sang.
Xin muôn năm như vì sao sáng đó
Hỡi người định mệnh là vì sao lẻ.
Dậy đi Bắc Đẩu!
Bừng mắt dậy soi sáng thiên thu.
Người tên "Bắc Đẩu" chết trận hôm nao?
Một áo quan đóng vội một chuyến cuối phiêu du ...
"Có thấy dấu chiến xa của người của hôm qua ?"
"Có thấy chiếc mũ đen của người lạc trong đêm?"
Người tên "Bắc Đẩu" chết trận La Vang, liệm xác ba lần ...
Ngọc bích cũng tan chỉ còn vì sao thôi, chỉ còn vì sao thôi ...
Cuộc đời vài mươi năm
Người vội về xa xăm"

Một điểm độc đáo của Nhật Trường - Trần Thiện Thanh là ông là người đa tài như ca hay, sáng tác nhạc hay, viết nhạc kịch và đạo diễn hay,... Bởi vậy nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho nhận xét là: “Nhạc Trần Thiện Thanh không ai hát hay hơn Nhật Trường”.

Nói đến Nhật Trường là phải nói đến hai người ở nơi ông: một Nhật Trường ca sĩ và một Nhật Trường là một nhạc sĩ dưới tên Trần Thiện Thanh là hai tên tuổi đã có những đóng góp lớn cho nền ca nhạc Việt Nam từ hàng chục năm qua trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Nói với khán thính giả, những ai hâm mộ ông, ông chia sẻ tâm sự khi đến Hoa Kỳ định cư:

"...Mơ ước trong tương lai của tôi còn tùy thuộc vào khán thính giả còn yêu thích mình hay không, tiếng hát của tôi còn được đón nhận nữa hay không? Nhưng có một điều tôi sung sướng nhất ở đây là tôi được hát cho khán thính giả của tôi, hát cho họ, vì họ và mang ơn họ. Hát như chưa bao giờ được hát. Tôi ước mơ rằng cuối đời còn lại của tôi sẽ còn dịp được hát mãi để phục vụ cho khán giả yêu thương."

Trang Bách khoa tự điển Wikipia online viết về tiểu sử ông như sau:

"Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một nhạc sĩ Việt Nam chuyên viết về nhạc trữ tình. Bút hiệu ông thường dùng là TTT nhưng thỉnh thoảng ông cũng ký tên Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận). Ông còn là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Nhật Trường.

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958 và chẳng bao lâu giọng hát trau chuốt của ông được giới yêu nhạc Sài Gòn yêu mến ngay.

Ông nguyên là giáo viên trung học, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm lý chiến Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1965 cho đến cuối tháng tư năm 1975. Ông làm việc tại Ðài Phát thanh và sau đó Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của Đài và sau năm 1968 ông còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thâu băng tên là “Tiếng hát đôi mươi”. Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi ("nữ hoàng" của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn) hát phụ họa cùng với ông.

Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh và truyền hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay ca diễn với Thanh Lan.

Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Lúc đó, Nhật Trường và Thanh Lan thường hát chung với nhau. Đây là một tiết mục rất ăn khách trên TV thời đó. Loạt nhạc cảnh này cũng được thâu thành phim với tên “Trên Đỉnh Mùa Đông”.

Hai chủ đề lớn trong sáng tác của ông là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông thường không có thù hận, gay gắt hoặc kích động, thúc quân hoặc u uất, bi thảm mà nhạc của ông thường trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị chính quyền cộng sản cấm hoạt động. Tới năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Tuy nhiên, ông từ chối làm việc dưới chế độ mới.

Trong những năm ít xuất hiện trên sân khấu, Trần Thiện Thanh vẫn soạn nhạc. Tới năm 1993 thì ông sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết duyên với nữ ca sĩ Mỹ Lan.

Trần Thiện Thanh bị ung thư phổi. Ông mất vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, Nam California.

Trần Thiện Thanh sáng tác khoảng 100 ca khúc, trong số đó có những bài nổi tiếng như :

- Ai nói yêu em đêm nay
- Anh không chết đâu anh, (vinh danh Đại úy Nguyễn Văn Đương)
- Anh về với em
- Bảy ngày đợi mong
- Biển mặn. (Đây là tác phẩm gần như kể về cuộc đời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh)
- Chiếc áo bà ba, mang âm hưởng dân ca
- Chiều trên phá Tam Giang
- Chuyện hẹn hò
- Chuyến đi về sáng, (viết chung với Mạnh Phát)
- Đám cưới đầu xuân
- Hoa biển, (viết tặng Hải quân VNCH, sáng tác chung với Anh Thy, tên thật là Phạm Văn Khổn, cố chuẩn úy nhất hải quân)
- Người yêu tôi khóc
- Không bao giờ ngăn cách
- Lâu đài tình ái
- Mùa đông của anh
- Mười sáu trăng tròn
- Người chết trở về
- Người ở lại Charlie, (vinh danh Đại tá Nguyễn Đình Bảo)
- Rừng lá thấp, (viết tặng Đại Úy Vũ Mạnh Hùng hy sinh trên cầu sông Thị Nghè)
- Tình có như không
- Tình thư của lính, (sáng tác trong biến cố Tết Mậu Thân 1968. Trong dịp này ông là Trung đội trưởng Trung đội ứng chiến phòng thủ Biệt Khu Thủ Đô)
- Tình đầu tình cuối
- Trên đỉnh mùa đông
- Tình thiên thu (Chuyện tình Mộng Thường)
- Từ đó em buồn
- Tuyết trắng, (viết tặng Không quân VCH)
- Yêu...

Có lần Trần Thiện Thanh được hỏi vì sao ông chọn tên Nhật Trường. Ông trả lời: "Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là ... ngày dài.".

Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, Trần Thiện Thanh gom bài Người bên lề cõi sống cùng với các bản khác như Đôi tiếng tự do, Từ nửa vòng trái đất, Ở giữa muộn phiền, Trại cấm,... để làm thành CD Đôi tiếng tự do.

Năm 2006, Trung tâm Asia có thực hiện chương trình đặc biệt Nhật Trường Trần Thiện Thanh - Anh không chết đâu anh (Asia DVD 50) và năm 2009 thực hiện chương trình "Nhật Trường - Trần Thiện Thanh 2" (Asia DVD 61), để vinh danh ông..."

Một người con trai ông là Trần Thiện Anh Chương, khi đi hát có lấy tên là Anh Chương hoặc Nhật Chương, đôi khi lấy tên là Trần Thiện Thanh Toàn (để nhớ chú) nhưng sau này khi làm việc trong vai trò ký giả thì chỉ lấy tên là Thanh Toàn, hiện cộng tác với đài truyền hình SBTN và Trung tâm Asia.

Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có một số ít ca khúc của ông được phép lưu hành chính thức như Chiếc áo bà ba, Tình đầu tình cuối, Gặp nhau làm ngơ, Bảy ngày đợi mong... Từ năm 2000, nhạc của Trần Thiện Thanh không còn được cấp phép nữa.

Trần Thiện Thanh - Âm Nhạc Bảo Vệ Quê Hương:

Trần Thiện Thanh Nhật Trường đã hy sinh một đời bằng trái tim, bằng khối óc để nói lên hình ảnh người lính với lý tưởng bảo vệ sơn hà, người trai thế hệ không sờn lòng gìn giữ từng tất đất quê hương, anh ra đi nơi tuyến đầu mang theo màu da nắng cháy từ vùng chiến địa của Mùa Hè Đỏ Lửa 72 với An Lộc, Bình Long, Kontum hay miền trường sơn rừng núi với Dak To, A Shau, Chu Pao hay Khe Sanh, hay vùng địa đầu có Đông Hà, Hải Lăng, Triệu Phong, Thạch Hãn, nơi có sương mù buồn tênh của vùng Quảng Trị… nơi nào có chiến tích là được Nhật trường đưa vào những ca khúc của anh. Trần Thiện Thanh Nhật Trường nói thay cho người lính bằng dòng nhạc của ông, bằng giọng ca của ông. Những bài hát bất tử với quân dân Việt Nam Cộng Hòa: Chiều Trên Phá Tam Giang, Góa Phụ Thơ Ngây, Tưởng Người Chết Đi và điều đặc biệt nhạc Trần Thiện Thanh đã vinh danh những anh hùng tiêu biểu cho Việt Nam Cộng Hòa đi vào quân sử một thời chiến chinh: Ôi, những Trần Thế Vinh trong bài Bay Lên Cao Ði Anh, Trần Duy Phước trong Giấc Ngủ Trên Ðồi Xanh, Nguyễn Văn Ðương trong Anh Không Chết Ðâu Em, và Nguyễn Ðình Bảo trong Người Ở Lại Charlie.

Trước 75 Nhật Trường và Thanh Lan dựng những nhạc cảnh mà chúng ta xem khi họ song ca trên TV từ bài Góa Phụ Thơ Ngây, Chiều Trên Phá Tam Giang, Người Ở Lại Charlie đến Anh Không Chết Đâu Em, nói về cái chết anh dũng của đại úy Nguyễn Văn Đương. Dưới áp lực mưa pháo nặng nề lên căn cứ 30 và 31 tại mặt trận Khe Sanh, đại úy Đương, pháo đội trưởng B-3 Dù, báo cáo tăng địch xuất hiện dưới chân đồi và đích thân bắn trực xạ nát hai chiếc tăng địch. Trong khi Tiểu Đoàn 3 Dù anh dũng giữ từng thước đất, từng giao thông hào. Nhưng quân số Dù không đủ sức ngăn chặn cuộc tấn công mưa pháo và tăng địch cày nát chiến hào. Để rồi cuối cùng pháo đội trưởng Nguyễn Văn Đương vĩnh viễn ra đi tại Khe Sanh. Sau đó bài anh hùng ca Anh Không Chết Đâu Em, ám chỉ anh sẽ mãi mãi lưu danh trong sử xanh, anh mãi mãi sống trong âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa, trong lời nhạc của Trần Thiện Thanh, với nhịp điệu luyến láy ở cung La thứ, tiết tấu hào hùng thiết tha để diễn tả nỗi niềm tiếc nuối của tất cả chúng ta:

Trần Thiện Thanh - Âm Nhạc Về Tình Yêu:

Dòng nhạc Trần Thiện Thanh chia ra hai chủ đề chính: Lính và Tình Yêu. Về Lính, như trên đã bàn là ông có nhiều bài về lính nhất. Trong số hơn 200 ca khúc ông sáng tác trước và sau năm 1975, nhiều ca khúc nói về người lính của chúng ta, trong ý niệm rất nhân bản, và mang nét trữ tình với lính yêu trong tình yêu vốn nhẹ nhàng. Bây giờ tôi xin trình bày về những bài tình ca thuần túy không có màu áo lính xen vào. Chủ đề Tình Yêu của Trần Thiện Thanh có rất nhiều bài dễ thương như: Khi Người Yêu Tôi Khóc, Bảy Ngày Đợi Mong, Hoa Trinh Nữ, Lâu Đài Tình Ái (phổ thơ Mai Trung Tĩnh), Cho Anh Xin Số Nhà, Mùa Đông Của Anh, Ai Nói Yêu Em Đêm Nay,... Những từ ngữ trong bài ca của Trần Thiện Thanh không cầu kỳ, dễ hiểu, nét nhạc dễ nghe, kỹ thuật viết nhạc chú trọng đưa những tâm tình đi vào lòng thính giả. Sau năm 1975, Trần Thiện Thanh vẫn sáng tác, bản Chiếc Áo Bà Ba mang âm hưởng dân ca quê hương Nam phần. Điểm hay là nhạc Trần Thiện Thanh nếu do Nhật Trường ca thì lại xuất sắc, theo nhiều trường hợp khác thì nhạc sĩ đặt nhạc không hẳn người ấy sẽ là ca sĩ ca hay, nhưng với Trần Thiện Thanh thì quá đặc biệt.

Theo Trần Củng Sơn viết về Nhật Trường Trần Thiện Thanh:

"Dòng nhạc Trần Thiện Thanh chia ra hai chủ đề chính: Lính và Tình Yêu. Về Lính, phải công nhận là ông có nhiều bài về Lính nhất. Những ca khúc về Lính của Việt Nam Cộng Hòa đa số không mang tính chiến đấu cao như những bài của miền Bắc Cộng sản nhưng đậm nét trữ tình. Đó là lý do tại sao bây giờ sau hơn 30 năm, ở trong nước trên những chiếc tắc xi hay xe đò, khách vẫn được cho nghe những giọng hát Như Quỳnh, Tuấn Vũ ca những bài hát Lính nghe rất mùi.

Chủ đề Tình Yêu của Trần Thiện Thanh có những bài dễ thương như Khi Người Yêu Tôi Khóc, Bảy Ngày Đợi Mong, Hoa Trinh Nữ. Về phổ thơ, bản Lâu Đài Tình Ái phổ thơ Mai Trung Tĩnh thật lãng mạn, bài Chiều Trên Phá Tam Giang phổ thơ Tô Thùy Yên cũng thành công.

Ca từ của Trần Thiện Thanh không cầu kỳ, dễ hiểu, nét nhạc dễ nghe, kỹ thuật viết nhạc vừa đủ để đưa những tâm tình đi vào lòng thính giả. Sau năm 1975, Trần Thiện Thanh vẫn sáng tác, bản Chiếc Aùo Bà Ba mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nghe quen thấy cũng hay. Những ca khúc ông viết ở hải ngoại thường do chính tác giả trình bày, nếu do những tiếng hát ăn khách ca, có thể phổ biến rộng rãi hơn. Trong một lần thoáng nghe Nhật Trường đưa câu vọng cổ vào bài ca tân nhạc trên sân khấu, ý nhạc này cho phong cách mới mẻ. Điều này chứng tỏ phong độ của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh, không muốn dẫm vào lối mòn trong lúc sáng tác."

Hoàng Nam, tôi còn nhớ vào khoảng giữa thập niên 60, người láng giềng nhà tôi vốn mê một nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ông nghe say sưa, nghe triền miên. Tôi nhớ giờ prime time của bản nhạc này là 6 hay 7 giờ sáng trước khi ông đi làm và giờ 7 đến 8 giờ tối trước khi đi ngủ. Ngày đó, nếu tôi nhớ không lầm thì ca sĩ là Hà Thanh đã ru chúng tôi ngủ qua tình khúc "Không Bao Giờ Ngăn Cách":

"Anh về với em rồi mai lại đi
Đường xa mang theo bao nhiêu tình ý
Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu
Đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím
Nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng
Đâu bằng đôi mắt em

Chúng mình cách xa mà vẫn gần nhau
Tình yêu không mau phai như màu áo
Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ
Lá rơi gọi mùa thu về sân úa
Vẫn không bao giờ
Không bao giờ ngăn cách đâu em..."

Ông láng giềng nhà tôi là người đã giới thiệu tôi dòng nhạc tình ca boléro về người lính của Trần Thiện Thanh, nhà ở Việt Nam chia chung vách nên giờ prime time của ông cũng là giờ prime time của tôi, khiến tôi nghe trong đam mê và rồi tôi mãi hát theo:

Không bao giờ
Không bao giờ ân tình lại vỡ đôi
Một người đi nghe thương sao thương nhiều quá
Dáng một người em xinh sao quá xinh màu má
Không bao giờ
Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi
Một đời hoa không khi nào hai lần nở
Trái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về..."

Tôi thích ca từ mà Trần Thiện Thanh dùng như: sao sáng đâu bằng đôi mắt em, thời gian đem tâm tư vào nhớ, ân tình lại vỡ đôi, giữa mùa hè tuyết rơi, đời hoa không khi nào hai lần nở,.... Thật tuyệt vời. Chính lời nhạc như vậy thu hút sự đắm say của nhiều người.

Nhạc sĩ Lê Dinh đã có lần nói rằng chủ đề Lính đã tạo ra những bài hát hay và thể điệu Boléro của tân nhạc Việt Nam. Mà Nhật Trường -Trần Thiện Thanh thường dùng thể điệu Boléro và chủ đề Lính. Nên tôi nghĩ dòng nhạc Nhật Trường -Trần Thiện Thanh dễ dàng nhập tâm khán thính giả từ thời chiến đến giai đoạn về sau.

Năm 1972, Nhật Trường đã hoạt động bên lãnh vực phim ảnh truyền hình. Ông thực hiện cuốn phim Trên Đỉnh Mùa Đông, do chính ông viết cốt truyện phim để nối kết đưa bài hát Anh Không Chết Đâu Em, như nhạc đệm cho phim kịch (theme song), mà nội dung phim nói về câu chuyện anh hùng mũ đỏ Nguyễn Văn Đương với người vợ là Nguyễn Thị Lệ. Ông trực tiếp làm đạo diễn cuốn phim này, và đóng vai chính (Nguyễn Văn Đương) cùng với ca sĩ Thanh Lan (vai Nguyễn Thị Lệ). Phim Trên Đỉnh Mùa Đông đã phát sóng vào năm 1972 trên đài 9 của Đài truyền hình Sài Gòn. Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Lệ là hai nhân vật có thật ngoài đời trước 1975, không do hư cấu.

Trên sân khấu Asia-61, ca sĩ Thanh Lan đạo diễn làm sống lại vở nhạc kịch Trên Đỉnh Mùa Đông.

Nhưng phần diễn xuất ca sĩ trẻ Quốc Khanh đã thủ vai Đại Úy Pháo Binh Dù Nguyễn Văn Đương và ca sĩ Như Quỳnh đóng vai người vợ tên là Nguyễn Thị Lệ, vở nhạc kịch được diễn xuất khá ngoạn mục.

Nhạc phẩm tiêu biểu cho tình xuân Phút Giao Mùa mà Trần Thiện Thanh sáng tác tặng Trần Duy Phước của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù VNCH vào năm 1965. Bài ca do Ngọc Minh và Trung Chỉnh trình bày. Xuân lại về trong khói lửa chiến tranh. Rồi mùa xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh, lời ca thơ mộng:

"Xuân này anh không về,ngàn câu thề không chắc em vui,
quà xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ
Đời lính chiến lấy gì gửi về em?

Tiền đồn heo hút nhắc em kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi "em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?"
Năm nao đêm giao thừa ngày khói lửa chưa kín quê hương,
Và đôi ta nhỏ bé, thức xem giao thừa,
Kể chuyện vu vơ và thức trong mộng mơ.

...Rồi pháo nổ khai xuân để mình dỗi hờn xa xăm
Khi đường trần dập dìu người đi hái lộc đầu năm.
Rồi từng xuân đến bắt anh giã từ ấu thơ.
Rồi xuân chiến chinh phút giao mùa còn anh với anh
Xuân chưa ôm đôi đời
Lòng xin một phút giây mơ thôi..."

Sau khi thành công của cuốn phim truyền hình Trên Đỉnh Mùa Đông, vào năm 1974 Nhật Trường tiếp tục làm cuốn phim thứ hai mang tên Mộng Thường (tên ban đầu là Người Chết Trở Về) để giới thiệu bài hát Tình Thiên Thu Nguyễn Thị Mộng Thường cũng do ông viết truyện phim. Nội dung câu chuyện tình có thật này đã xẩy ra khi Thiếu Úy Biệt Động Quân Phạm Thái gặp kiều nữ tiếp viên hàng không Việt Nam là Nguyễn Thị Mộng Thường tình cờ một chuyến bay của Air Vietnam, khi Phạm Thái lên đường đi tác chiến trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, năm 1972. Tại mặt trận An Lộc Phạm Thái đã bị thương và mất tích, mọi người tưởng rằng chàng đã hy sinh tại trận địa khiến cho Mộng Thường phải đau khổ vì cuộc tình bị dang dở oan khiên. Sự thật thì Phạm Thái được cứu sống và ẩn náu trong một nhà thờ. Sau trận chiến chàng được vinh thăng Trung Úy. Phạm Thái đã gửi thư mời hôn thê Mộng Thường ở Sài Gòn lên An Lộc dự buổi lễ lên lon mới. Thật là một oan khiên khi Mộng Thường đón xe đò lên gặp chàng. Chiếc xe đò mà nàng đi chẳng may trúng mìn của CS gài trên đường. Nguyễn thị Mộng Thường bị thương nặng, và qua đời. Trần Thiện Thanh lại sáng tạo viết kịch bản kiêm đạo diễn phim truyện Mộng Thường, rồi đóng vai chính (Phạm Thái) cùng với Thanh Lan (vai Mộng Thường). Phim này đã được trình chiếu trên Đài truyền hình Sài Gòn trước 1975. Hai nhân vật trong phim này là chuyện thật ngoài đời. Phim đề cao một mối tình thật đẹp trong thời chinh chiến, dù kết cuộc quá bi thương.

Ca sĩ Mai Ngọc Khánh nhận xét tài nghệ của Trần Thiện Thanh: "Anh Nhật Trường rất là người tài hoa, bài nhạc nào anh đặt cũng hay. Tôi nghĩ rằng mình không có đủ sức để mà hát những bài của ảnh, không đủ trí nhớ để mà hát những bài của anh Nhật Trường. Bài nào của anh cũng rất là phóng khoáng, nhạc lính cũng như nhạc tình. Bài Tình Thư Của Lính, Người Ở Lại Charlie, hay Chuyện Tình Mộng Thường, nhạc của ảnh bất hủ."

Trên sân khấu Asia-61, tương tự như vở kịch trước, ca sĩ Thanh Lan đã viết lại phần đối thoại, phân cảnh và đạo diễn cho thế hệ đàn em diễn xuất. Các ca sĩ trẻ ở hải ngoại thủ diễn vai trò xuất sắc lắm, họ đã làm sống lại vai trò ngày xưa của của Thanh Lan và Nhật Trường, đứng trên sân khấu hoành tráng, lộng lẫy của Asia Live-show 61.

Được chú ý nhiều nhất là nhạc kịch Tình Thiên Thu Nguyễn Thị Mộng Thường do Băng Tâm thủ vai Mộng Thường và Đan Nguyên vai Phạm Thái ca diễn. Có thể nói vở nhạc kịch này đã gây xúc động khán giả không ít.

Đó là những ghi nhận từ Dương Hà - Hoàng Nam về đôi nét qua tác phẩm Asia-61. Một DVD nên xem, để tưởng nhớ đến người nghệ sĩ tài hoa Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, cũng để vinh danh quân lực Việt Nam Cộng Hòa nhân dịp tưởng nhớ về ngày đau thương 30 tháng Tư Đen của mỗi năm, mà năm nay đã 34 năm qua rồi!



Được biết Trung Tâm Asia dự định tổ chức Ðại Nhạc Hội thu hình “Asia kỷ niệm 30 năm thành lập: Anh Bằng-Một đời cho âm nhạc” vào ngày 11 Tháng Bẩy 2009 tại Đại hí viện Long Beach Terrace, với sự góp mặt của toàn thể nghệ sĩ tài danh của Trung Tâm Asia, cùng những khách mời thật đặc biệt.

Ðại nhạc hội thu hình kỷ niệm 30 năm thành lập này, sẽ có hai buổi trình diễn, vào lúc 1 giờ chiều và 7 giờ tối, và sẽ được phát hành thành Asia DVD 62.

Theo Trung Tâm Asia thì “Asia kỷ niệm 30 năm thành lập: Anh Bằng-Một đời cho âm nhạc” sẽ là một chương trình vĩ đại, một cố gắng vượt bực của Trung Tâm Asia nhằm đánh dấu 30 năm hoạt động, và nhằm tri ân, giới thiệu đến các khán thính giả người sáng lập Trung Tâm Asia, cùng những tác phẩm lừng danh nhất sau 1975 của nhạc sĩ Anh Bằng, cũng như cả cuộc đời và sự nghiệp của ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, cũng như cho Trung Tâm Asia suốt nhiều thập niên qua.

Nhạc sĩ Anh Bằng, được coi như là “cổ thụ” trong làng ca nhạc Việt Nam, cùng thời với các tên tuổi lớn như những nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Hoàng Trọng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ... đều đã ra đi về bên kia thế giới...

Ngoài ra, tin nhận được từ Trung Tâm Asia cũng cho biết DVD “Nhật Trường-Trần Thiện Thanh Kỳ 2” (Asia-61) sẽ được phát hành vào ngày 24 Tháng Tư 2009 này. Sau khi đã được thu hình qua đại nhạc hội vào ngày 28 Tháng Hai 2009 tại Đại hí viện Long Beach, California.

Xin đón xem DVD Asia-61 “Nhật Trường-Trần Thiện Thanh 2”, và hãy tham dự Live show Asia-62 “ASIA Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập : ANH BẰNG- Một Đời Cho Âm Nhạc”.



Dương Hà - Hoàng Nam





Ý Kiến Đóng Góp







Free Web Template Provided by A Free Web Template.com